Chuyển sang sử dụng SSD: Một cứu cánh hợp lý cho PC cũ
Sử dụng ổ cứng rắn SSD là cách nâng cấp máy tính đơn giản, hiệu quả nhất đối với những dòng máy tính cũ, giúp cải thiện tốc độ, đồng thời giảm tiếng ồn và hàng loạt những tiện ích nhỏ khác.
Cách đây khoảng 15 năm trở về trước, phần lớn người dùng khi nhắc đến việc nâng cấp máy tính cũ sẽ nghĩ ngay đến bộ nhớ RAM đầu tiên, đây là phương pháp đơn giản và hiệu quả. Bởi lẽ, linh kiện máy tính lúc bấy giờ có mức giá rất cao, khó thuyết phục người dùng. Do đó, việc nâng cấp luôn cho cả bộ vi xử lý và card đồ họa rời không phải ai cũng mạnh tay, chấp nhận điều này. Với bối cạnh như vậy, thà bỏ số tiền cao mua luôn sản phẩm mới để tận hưởng nền tảng công nghệ mới nhất tại thời điểm đó.
Lúc bấy giờ, SSD mới bắt đầu nở rộ nhưng trở ngại lớn nhất nằm ở mức giá rất cao, tương đương với cả dàn máy tính cũ có cấu hình đủ dùng cho giới văn phòng. Hầu hết người dùng chọn giải pháp nâng cấp máy theo hình thức mua thêm RAM kết hợp với phần mềm tăng tốc, dọn dẹp hệ thống. Điều cần lưu ý thêm, hệ điều hành phổ biến lúc bấy giờ là Windows 98 và 2000, khả năng tối ưu hóa chưa thật sự “ngon” như những thế hệ tiếp đó, nhất là khoản “ngốn” RAM.
Quay trở lại vấn đề chính là ổ cứng. Khoảng thời gian 5 năm trở lại đây, nhiều dòng mainboard máy tính đã hỗ trợ cổng SATA 2 và 3 cho tốc độ vượt trội lên đến 6 Gb/giây so với chuẩn ATA/PATA trước đây có tốc độ tương ứng 133 MB/giây. Thông thường, ổ cứng HDD loại 5400 – 7200 (vòng mỗi phút) cho tốc độ đạt khoảng 100 – 150 MBps. Trong khi đó, ổ cứng rắn SSD đạt tốc độ tối đa lên đến 550 MB/giây trên cổng giao tiếp SATA 3, cho hiệu năng hơn hẳn so với dòng HDD. Để có tốc độ nhanh đến vậy, SSD dùng cơ chế đọc và ghi dữ liệu vào bộ nhớ dạng NAND flash, đi kèm trình điều khiển pha tương tự cách thức hoạt động của bộ nhớ CPU hoặc các chip xử lý core-logic.
Nhờ vào tốc độ nhanh “thần kỳ” và giá cả ngày càng rẻ, nhiều người dùng đã chọn giảp pháp mua ổ cứng SSD để cài đặt Windows và các phầm mềm khác nhằm cải thiện hiệu suất, tăng tốc chiếc máy tính cũ. Riêng ổ HDD vẫn dùng cho nhu cầu lưu trữ dữ liệu là chính, chẳng hạn như nhạc và phim ảnh. Trải nghiệm thực tế, một chiếc máy tính dùng khi cài đặt Windows 7 trên cả ổ HDD và SSD, tính riêng thời gian khởi động máy đã có sự khác biệt rõ rệt. Ổ SSD cho thời gian khởi động hoàn tất vào màn hình chủ Windows chỉ bằng 1/3 đến 1/7 so với HDD, điều này chỉ đúng ở mức tương đối, vì còn tùy thuộc vào cấu hình tổng thể của PC và Laptop.
SSD không đơn giản chỉ là việc tăng tốc cho vấn đề khởi động máy, quan trọng hơn để cải thiện tốc độ thao tác máy, phản hồi cực nhanh khi khởi động chương trình ứng dụng. Bên cạnh đó, SSD do dùng bộ nhớ dạng NAND flash nên không gây tiếng ồn, đồng thời còn tiết kiệm điện năng hơn HDD, thậm chí vận hành không bị nóng, tỏa nhiệt nhiều như HDD. Cuối cùng, SSD có thành phần cấu tạo khác hoàn toàn với HDD, người dùng không cần mất thời gian và công sức để dồn ổ đĩa, chống phân mảnh ổ cứng vốn đã quá quen thuộc với người dùng trước đây khi còn dùng ổ cứng HDD.
Việc nâng cấp máy tính muốn đạt hiệu quả nhất, người dùng thường phải nâng cấp cả ổ cứng rắn SSD, bộ vi xử lý và RAM, thậm chí có khi phải thay luôn card đồ họa. Tuy nhiên, nếu việc nâng cấp mà thay đổi quá nhiều thứ trong khi mainboard (bo mạch chính) lại quá cũ, lạc hậu thì hiệu quả đem lại vẫn chưa thật sự được như mong đợi. Bởi lẽ, người dùng có thể bỏ ra số tiền gấp đôi hoặc cao hơn chút đã có thể sở hữu được dàn máy mới với cấu hình khá tốt, đặc biệt thừa hưởng sức mạnh vượt trội từ những nền tảng mới nhất. SSD đặc biệt hiệu quả khi nâng cấp cho laptop, nhưng đánh đổi lại, người dùng sẽ mất đi không gian ổ cứng rộng rãi.
Trong bối cảnh hiện nay, không phải ai cũng có điều kiện mua máy mới, chọn lựa tối ưu nhất lúc này chỉ đơn giản mua thêm ổ SSD mới. Thời gian sau này, người dùng có điều kiện mua dàn máy tính mới, dễ dàng tận dụng lại SSD, không cần phải mua ổ cứng rắn mới.
.